Headlines News :
Home » » Đi chùa như thế nào cho đúng?

Đi chùa như thế nào cho đúng?

Written By Triệu Hoàng Tình - Chuyên gia nhân hiệu on Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013 | 09:08

(NTL) Chắc nhiều bạn trong diễn đàn cũng như tôi, đều năng đi chùa cầu phước. Việc đi chùa như một nếp hình thành một cách tự nhiên, kiểu như thấy mọi người đi thì mình cũng đi, cầu được phước thì tốt mà trước tiên thấy lòng cũng nhẹ nhàng, thanh thản. Vừa rồi tôi có dịp đọc một số cuốn sách của hòa thượng Thích Thanh Từ, bản thân cũng giác ngộ nhiều điều. Xin phép thầy Thích Thanh Từ và các bạn, tôi trích dẫn một số đoạn trong cuốn “Vào cổng chùa” của thầy up lên cho các bạn hiểu thêm về việc đi chùa. 


“…Người xưa nói “làm việc có nghĩa do tâm tỉnh ngộ, làm việc vô nghĩa do tâm mê mờ”. Chúng ta thao thức ước mơ có thì giờ rảnh đi chùa để được nghe những lời chỉ dạy đạo lý của Tăng, Ni. Quả là do tâm tỉnh ngộ làm động cơ thúc đẩy chúng ta. Nếu chúng ta mong có lúc rảnh để đến hí trường, lại tửu điếm, chính là do tâm mê mờ làm động cơ thúc đẩy chúng ta. Chọn lấy một hành động có nghĩa để làm theo đích thực là người trí. Chạy theo những hành động vô nghĩa, hư hèn, quả là kẻ ngu. Đã có mặt trên cõi đời, chúng ta phải chọn lấy một lối đi để đưa đời mình đến chỗ rạng ngời, tươi đẹp. Vô lý, chúng ta mải đua đòi theo sự ăn mặc vui đùa, đến một ngày kia thân này sắp hoại, tự ta nghĩ sao về thân phận mình? Vì thế, sự đi chùa lễ Phật là một việc làm do động cơ tỉnh ngộ thúc đẩy với một tinh thần cố gắng vươn lên, gây dựng cho mình một ngày mai sáng đẹp. 

II – Đi chùa 
Mục đích đi chùa không phải là để cúng lạy mà vì học hỏi chánh pháp, tập tu đức hạnh. Người Phật tử mới đến với đạo chưa thấm nhuần Phật pháp, nếu không được sự chỉ dạy của Tăng Ni thì làm sao hiểu đạo tu hành. Muốn hiểu đạo lý, Phật tử tới lui Tự viện để thưa hỏi học tập là đương nhiên không thể thiếu. Vì sự sống bận rộn ngoài xã hội, Phật tử đâu đủ thì giờ nghiên cứu giáo lý, chỉ gặp Tăng, Ni trong nửa giờ, một giờ, Phật tử có thể học được nhiều điều trước kia chưa biết. Vì thế, đến chùa để gặp Tăng, Ni là điều thiết yếu không thể thiếu đối với mỗi Phật tử tại gia. Đi chùa có hai trường hợp, đi chùa ngày thường và đi chùa ngày lễ vía. 

II-1 Đi chùa ngày thường: Bất cứ ngày nào thấy rảnh việc nhà người Phật tử có thể đi chùa. Khi đi chùa, Phật tử phải nhắm thẳng mục đích thưa hỏi đạo lý. Vì hỏi đạo lý, Phật tử phải ghi lại những điều gì mình chưa hiểu để đem ra hỏi. Mỗi lần đến chùa, Phật tử phải có ít nhất đôi ba vần đề thưa hỏi Tăng, Ni. Những vấn đề ấy, hoặc do thấy nếp sống sinh hoạt nhà chùa chưa hiểu đem ra hỏi, hoặc đọc trong kinh sách chỗ nào không biết đem ra hỏi. Biết thưa hỏi như vậy, người Phật tử học đạo rất chóng tiến. Đi chùa hỏi đạo là đúng tinh thần học vấn của người Phật tử. 

Nhưng cũng có những khi không vì hỏi đạo mà vẫn đi chùa. Đây là trường hợp vì đua chen trong cuộc sống, người Phật tử thần kinh bị căng thẳng, vội vàng bỏ việc đến chùa. Đến đây để ngồi yên trên tảng đá dưới bóng mát tàn cậy, nghe tiếng gió thì thào trên ngọn cây, giọng chim líu lo trong cành râm, khung cảnh tịch mịch của nhà chùa khiến tâm hồn lắng xuống, thần kinh dịu lại. Không cần gặp ai, chẳng màng thưa hỏi, chỉ cần mắt ngắm mấy cội tùng xanh, mũi ngửi mùi hương nhẹ của hoa lan, hoa nguyệt quế, ngồi đặt lưng tựa bên vách chùa, chúng ta cảm thấy lòng nhẹ nhàng khoan khoái, những giờ phút này gánh nợ đời oằn oại đôi vai bỗng dưng như quẳng mất. Chính cảnh cô liêu tịch mịch của nhà chùa đã giải tỏa xoa dịu phần nào nỗi bực dọc não phiền của Phật tử. 

(Còn tiếp)


Nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật Đạo.!
Share this post :

Đăng nhận xét

 
Support : Thiết kế Websie | Đào tạo Marketing Online | Dịch vụ PR Website
Copyright © 2013. Nhuận Trí Lưu - All Rights Reserved